Chuyển địa điểm đầu tư dự án Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao

Về việc chuyển địa điểm đầu tư dự án Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao công suất 1.200 tấn/ngày của Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị; Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Bình để lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến việc chuyển địa điểm đầu tư dự án và yêu cầu Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG báo cáo quá trình triển khai dự án kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư đến nay.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã nhận được các Văn bản số 1203/BTNMT-KHTC ngày 18/3/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số 122/UBND-VP4 ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình; số 58/CFG ngày 19/3/2019 của Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG.

Tình hình đầu tư sản xuất của Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG

Tại Văn bản số 58/CFG ngày 19/3/2019 gửi Bộ Xây dựng, Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG đã báo cáo về quá trình triển khai thực hiện dự án như sau: Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG là đơn vị đã hoạt động trên 10 năm trong lĩnh vực sản xuất kính xây dựng. Hiện tại Cty đang trực tiếp sở hữu và vận hành Nhà máy sản xuất kính nổi công suất 900 tấn/ngày tại tỉnh Quảng Nam và Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao công suất 2×600 tấn/ngày tại Khu công nghiệp Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Để đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường về các sản phẩm kính siêu mỏng phục vụ sản xuất pin mặt trời, màn hình điện thoại, kính đặc chủng… Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG (là Cty con của Cty CP kính nổi Chu Lai-CFG) đã lập dự án đầu tư Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chấp thuận đầu tư theo Văn bản số 225/TTg-CN ngày 14/02/2018.

Đến thời điểm hiện tại, Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG đang triển khai các thủ tục, hồ sơ liên quan đến nhu cầu sử dụng đất của dự án. Kết hợp với các đơn vị chức năng khảo sát, kiểm tra đánh giá lại quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất tại vị trí dự kiến thực hiện dự án trình UBND tỉnh Ninh Bình phương án chuyển đổi mục đích sử dụng và thu hồi đất phục vụ cho đầu tư dự án. Đồng thời tiếp tục đàm phán với các đơn vị tư vấn, thiết kế để lựa chọn thiết bị công nghệ, lựa chọn thiết kế xây dựng công trình, phục vụ công tác chuẩn bị lập hồ sơ báo cáo để phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Trong quá trình triển khai đầu tư mở rộng sản xuất tại tỉnh Ninh Bình, Cty nhận thấy khó khăn đối với việc đảm bảo nguồn nguyên liệu chính (cát trắng silic) cho dự án. Nguyên liệu chính phục vụ cho dự án là cát trắng silic nhưng không có sẵn tại tỉnh Ninh Bình mà được cung cấp chủ yếu từ các tỉnh khu vực miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… với chi phí vận chuyển lớn trong khi hạ tầng về hệ thống bến cảng đường thủy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện tại chưa đủ năng lực tiếp nhận các tàu vận tải thủy công suất lớn, do vậy làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án.

Qua khảo sát, đánh giá nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty nhận thấy, việc đầu tư dự án tại tỉnh Quảng Trị sẽ có nhiều thuận lợi do có nguồn nguyên liệu cát trắng dồi dào, chất lượng tốt, có thể cung cấp lâu dài cho sản xuất kính với chất lượng cao.

Cụ thể, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012.

Bao gồm: Mỏ cát trắng tại khu vực ngã 5 và khu vực xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1178/GP-BTNMT ngày 20/6/2011 cho Cty CP Đầu tư và khoáng sản VICO Quảng Trị với diện tích 446ha, trữ lượng 15,9 triệu tấn, công suất khai thác 600.000 tấn/năm. Đồng thời, doanh nghiệp đã đầu tư Nhà máy chế biến cát thạch anh cung cấp cho lĩnh vực sản phẩm kính, thủy tinh, đá ốp lát nhân tạo, công suất 600.000 tấn/năm tại xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; Mỏ cát trắng Bắc Cửa Việt, xã Gia Hải, huyện Gio Linh và Nam Cửa Việt xã Triệu Vân, Triệu Trạch, huyện Triệu Phong có diện tích 3.011ha, tổng tài nguyên dự báo 40 – 50 triệu tấn.

Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương nghiên cứu địa điểm để đầu tư dự án tại tỉnh Quảng Trị theo Văn bản số 3185/UBND-CN ngày 25/7/2018.

Ngày 26/12/2018, Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG có Văn bản số 369/CFG gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị chuyển địa điểm đầu tư dự án về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh Quảng Trị có Văn bản số 5996/UBND-CN ngày 28/12/2018 thống nhất với đề nghị của Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép Cty CP kính nổi Chu Lai- CFG chuyển địa điểm đầu tư dự án về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Ý kiến của các cơ quan liên quan

Tại Văn bản số 1203/BTNMT-KHTC ngày 18/3/2019 gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị và Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG lưu ý một số vấn đề như: Làm rõ vị trí, diện tích hiện trạng sử dụng đất khu vực dự kiến thực hiện dự án và sự phù hợp của dự án với Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016.

Ngoài ra, việc sử dụng đất thực hiện dự án phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Cần xem xét khả năng đáp ứng của nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải, tác động của hoạt động xả thải đến nguồn nước tiếp nhận và các đối tượng khai thác, sử dụng nước trong khu vực theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật Tài nguyên nước.

Tiến hành lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Tại Văn bản số 122/UBND-VP4 ngày 25/3/2019 gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Ninh Bình thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị về việc chuyển địa điểm đầu tư dự án về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị để sử dụng lợi thế nguồn nguyên liệu cát trắng và hệ thống cảng, bến thủy của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Ninh Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nguồn nguyên liệu như: Đá vôi, dolomite, feldspar… cho Cty TNHH CFG Quảng Trị để phát triển sản xuất.

Ý kiến của Bộ Xây dựng

Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Trị, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị và Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG về việc chuyển địa điểm dự án đầu tư Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao công suất 1.200 tấn/ngày từ tỉnh Ninh Bình về tỉnh Quảng Trị .

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo và hướng dẫn Cty CP kính nổi Chu Lai – CFG thực hiện việc đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về Quản lý vật liệu xây dựng.

Như vậy, dự án cần lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, thiểu tác động môi trường. Đồng thời thực hiện các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1203/BTNMT-KHTC nêu trên.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo