Cảnh báo về cuộc chạy đua xây nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đua nhau đầu tư dự án điện mặt trời nhưng thiếu hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật.

Cảnh báo về cuộc chạy đua xây nhà máy điện mặt trời

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Cuộc chạy đua đầu tư dự án điện mặt trời bắt đầu tăng tốc kể từ tháng 4/2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi về thuế và đất đai để khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Bên cạnh đó, đầu ra cho các dự án cũng được quy định rõ ràng khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 cent/kWh (trên 2.000 đồng/kWh) trong vòng 20 năm.

Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên và Tây Ninh… là những địa phương được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất bởi lượng mưa ít, số ngày nắng nhiều và đặc biệt là có nguồn bức xạ ổn định.

Tháng 9/2018, Khánh Hòa công bố chín dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng diện tích 795ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng; đồng thời đưa ra 29 địa điểm để nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời.

Tại Ninh Thuận, tính đến tháng 9 năm nay có khoảng 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 14 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 716,5 MW, tổng vốn đăng ký 20.079 tỷ đồng và năm dự án đang lập thủ tục cấp quyết định chủ trương.

Với điều kiện tự nhiên gần tương tự Ninh Thuận, Phú Yên cũng công bố 14 địa điểm có tiềm năng phát triển dự án điện năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng đứng ngồi không yên vì sợ không kịp hoàn tất khối lượng công việc để đóng điện vào tháng 6/2019 vì chỉ đóng điện vào thời điểm này mới được hưởng giá bán điện ưu đãi của Bộ Công thương.

Đánh giá về việc phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang ồ ạt đi xin cấp giấy phép nhưng không nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện.

Theo đó, những người làm điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay có trình độ không cao, thiếu hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực này; chủ yếu là người kinh doanh xin cấp đất, xin giấy phép dự án.

“Thấy giá cao thì cứ vẽ ra để bán dự án mà không thể thực hiện. Tiềm năng điện mặt trời ở Việt Nam rất cao vì bức xạ mặt trời ở nước ta thuộc loại tốt nhưng doanh nghiệp chưa làm được vì không ký được hợp đồng với EVN. Chẳng hạn, EVN yêu cầu lưu điện thì chẳng ai biết về nó”, ông Ngãi nhìn nhận.

Theo Chủ tịch VEA, điện mặt trời thường không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết và rất khó kết nối vào lưới điện quốc gia trong khi những dự án có công suất hàng chục, hàng trăm MW bắt buộc phải nối.

Cụ thể, muốn nối được với với điện lưới quốc gia phải có một hệ thống đồng bộ gọi là hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS). Tuy nhiên, đầu tư vào hệ thống này rất tốn kém, 1MW tốn khoảng 1 triệu USD.

Năng lượng tái tạo chưa thể thay thế được điện truyền thống

Theo Chiến lược phát năng lượng tái tạo đến 2030, tầm nhìn 2050, điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời từ 10 triệu kWh năm 2015, đến 2020 tăng lên 1,4 tỷ kWh, năm 2030 tăng lên 35,4 tỷ kWh và năm 2050 tăng lên 210 tỷ kWh.

Ông Michael Modler, Giám đốc Phát triển kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nhìn nhận, thế giới ưa chuộng năng lượng tái tạo vì nhiều lý do bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, giá rẻ và chi phí cạnh tranh.

“Tuy nhiên, tôi cảm giác những lời ca ngợi rùm beng về điện mặt trời có lẽ chỉ là những kỳ vọng hão huyền được thổi phồng. Hiện tại, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 7,5% tổng sản lượng điện toàn cầu. Hơn nữa, con số này sẽ nhỏ đi nhiều nếu không tính các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu”, ông Michael cho biết.

Theo ông Ngãi, mặc dù mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đã được Chính phủ đề ra cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay phát triển rất chậm.

Theo đó, chỉ mới có hai dự án rất nhỏ được hoàn thành và đi vào vận hành; trong đó, có dự án điện gió Bạc Liêu công suất 92 MW, mới đưa vào vận hành thô 50 MW, hiệu suất phát điện cung cấp cho hệ thống nhỏ nên hiệu quả không cao. Điện gió bán ra thu về không đủ trả lương cho công nhân nên Chính phủ phải bù.

“Điện mặt trời gần như chưa có. Năng lượng gió có bán ra rồi nhưng lượng điện phát ra trong một năm quá thấp, trong một ngày cũng ít. Cường độ điện không đều, chỉ số công tơ đo đếm không đảm bảo. Do vậy, hiệu quả của điện gió, điện mặt trời đưa vào hệ thống không cao”, ông Ngãi đánh giá.

Cũng chính vì vậy mà hệ thống lưu điện được đưa ra nhằm vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo để cung cấp một tần số điện áp phụ tải ổn định, có thể lưu điện thêm một thời gian khoảng 5 – 7 tiếng để phát điện. Thế nhưng ông Ngãi tái khẳng định, chưa ai ở Việt Nam thật sự biết về lưu điện.

Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo ông Ngãi cần nghiên cứu cẩn thận, đặc biệt là về vị trí lắp đặt, tốc độ gió bao nhiêu, bức xạ mặt trời, quy mô…

Mặc dù thừa nhận tiềm năng của điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam song Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, năng lượng tái tạo hiện tại không thể thay thế năng lượng truyền thống vì phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, không ổn định.

Hiện Việt Nam mới có chưa đầy 47.000 MW công suất và sản lượng điện chưa đầy 200 tỷ kWh trong khi đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 240.000 – 300.000 MW công suất điện, sản lượng điện quốc gia đạt từ 450 – 500 tỷ kWh.

Để giải quyết bài toán này, ông Ngãi nhấn mạnh, năng lượng truyền thống hiện tại vẫn mãi là số 1, vẫn là xương sống của hệ thống năng lượng Việt Nam, đặc biệt là nhiệt điện.

Với việc thiếu ổn định, năng lượng tái tạo chưa thể thay thế được điện truyền thống vì điện truyền thống phát 24/24 cả ba chế độ bao gồm chế độ đáy (ban đêm, thấp điểm), chế độ lưng (lúc bình thường) và chế độ đỉnh (lúc cao điểm).

Năng lượng tái tạo chỉ mang tính chất hỗ trợ, là phần bù để giúp năng lượng truyền thống được sử dụng tốt hơn và tiết kiệm hơn.

“Nhưng nếu tận dụng khai thác tốt thì phần bù đó cũng rất quý để giảm lượng than đốt cho nhà máy điện than, giảm lượng dầu, lượng khí đốt cho nhà máy khí, giảm việc xả nước cho nhà máy thuỷ điện vào mùa hè”, ông Ngãi nhận xét.

Nguồn: theleader.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo