Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa ra quyết định góp 49,5 tỷ đồng thành lập Công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn cùng với các đối tác khác. Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty được cử làm người đại diện vốn tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn.

4 năm vắng bóng

Như vậy, sau 4 năm rút chân khỏi phần lớn dự án thuỷ điện trong nước, nay doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã tăng đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện HAGL đang sở hữu 99,4% vốn tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Hoàng Anh Gia Lai và 99,4% vốn tại hai công ty con là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 tại Lào. Trong đó, Thuỷ điện HAGL thành lập tháng 6/2007, Điện Hoàng Anh Attapeu thành lập tháng tháng 7/2011 và Điện Nậm Kông 3 thành lập tháng 5/2013.

Tại ngày 30/9/2017 Tập đoàn có 3.461 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm ở nhà máy thuỷ điện. Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của HAGL thì chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu nằm ở dự án Thuỷ điện Nậm Kông 2 tại Lào.

Từ năm 2014 đến hết quý III/2017, các dự án thuỷ điện của HAGL không hề mang lại một đồng doanh thu nào cho Tập đoàn.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết công ty sẽ triển khai một dự án thủy điện ở Lào theo chủ trương phát triển dự án của nước này.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ triển khai một dự án thủy điện ở Lào theo chủ trương phát triển dự án của nước này.

Vẫn không từ bỏ

Trước đây, HAGL đã từng đầu tư rất nhiều vào mảng thủy điện. Chỉ trong thời gian ngắn, HAGL đã được cấp phép triển khai 20 dự án thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên, Thanh Hóa và trên nước bạn Lào. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến năm 2016, trong cơn khủng hoảng của mình, HAGL đã lần lượt bán các dự án thủy điện để giảm nợ vay.

Vào giữa năm 2013, ban lãnh đạo HAGL đã quyết định bán toàn bộ 6 dự án thuỷ điện tại Việt Nam để tái cấu trúc lại toàn bộ tập đoàn. Các dự án này gồm Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 trong khi vẫn giữ 2 dự án tại Lào là Nam Kong 2, Nam Kong 3. Tổng công suất của các nhà máy này vào khoảng 211,7 MW.

Khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai khẳng định không hề bỏ các lĩnh vực đầu tư này mà chỉ thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động, bán bớt một số dự án kém hiệu quả để tập trung vào những dự án có tiềm năng lớn hơn như dự án bất động sản ở Myanmar; cao su, mía đường, thủy điện ở Lào, Campuchia…

Hồi đầu năm 2017, HAGL tiếp tục bán mảng thủy điện, mía đường. Tuy nhiên, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết, việc bán các mảng hoạt động này của Hoàng Anh Gia Lai không vì mục đích lợi nhuận mà muốn cơ cấu các mảng hoạt động của tập đoàn, giảm các khoản vay liên quan đến thủy điện và mía đường. Khi hoàn thành thương vụ, các khoản nợ liên quan, khoản phải trả do nhận ứng trước từ khách hàng sẽ giảm nợ phải trả của tập đoàn đáng kể.

Trước khi bắt đầu bán các doanh nghiệp thủy điện, doanh thu ngành này từng đạt 139 tỷ đồng và góp tỷ trọng 3,2% doanh thu năm 2012 – theo báo cáo thường niên của công ty. Số tiền thu được từ việc bán các nhà máy thủy điện ước đạt khoảng 2.100 tỷ đồng.

Tiền từ việc bán các dự án thuỷ điện nói trên được HAGL sử dụng đầu tư cho các dự án tại Myanmar và trả nợ ngân hàng. Tuy vậy, tập đoàn này vẫn giữ lại các dự án thủy điện đang xây dựng tại Lào.

Hiện các lĩnh vực kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai bao gồm bất động sản, thủy điện, nông nghiệp, khai khoáng và dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp đang là động lực tăng trưởng chính của Hoàng Anh Gia Lai khi mảng trái cây chiếm trên 30% trong cơ cấu doanh thu công ty.

Nguồn: Enternews