26.000 MWp điện mặt trời chờ xếp chỗ

Có tổng cộng 332 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 26.000 MWp được nhà đầu tư đăng ký kể từ sau tháng 4/2017. So với công suất điện cả nước hiện ở mức 46.000 MW, có thể thấy rõ sức nóng của nguồn năng lượng này.

Đã bổ sung 121 dự án vào Quy hoạch 

Rất nhiều dữ liệu được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Nghiên cứu điều chỉnh giá mua bán điện mặt trời sau tháng 6/2019 của Việt Nam” do Bộ Công thương và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức mới đây.

Ông Vũ Ngọc Đức (Viện Năng lượng) cho hay, đã có 121 dự án với tổng công suất 7.234 MWp có mốc thời gian phát điện tới năm 2020 được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện. Tuy nhiên, còn 211 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 13.069 MWp đang xếp hàng mà chưa được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch. Tính chung, có tới 332 dự án điện mặt trời với công suất dự kiến lên tới 26.290 MWp tính tới năm 2030 đã được các nhà đầu tư đưa ra.

Sự bùng nổ dự án điện mặt trời chỉ diễn ra sau khi giá mua bán điện được công bố là 9,35 UScent/kWh vào tháng 4/2017. Trước thời điểm đó, theo ông Đức, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động chỉ vỏn vẹn… 5 MW, trong đó, chỉ có 1 MW được nối lưới, 4 MW còn lại không nối lưới và chủ yếu đặt ở các vùng sâu, vùng xa, trên mái nhà.

“Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã đem đến một bức tranh mới mẻ về điện mặt trời, nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề như hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu, hay sự tập trung của các dự án điện mặt trời tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, nên có thể dẫn tới quá tải hệ thống điện hiện có về lưới truyền tải”, ông Đức nói.

Số liệu cập nhật đến ngày 15/11/2018 cho thấy, cả nước mới có 2 dự án điện mặt trời đã chính thức vận hành thương mại, đó là Phong Điền và Krong Pa với tổng công suất 85 MW, đều do Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư.

Qua mặt ngân hàng

Đã có 65 dự án điện mặt trời ký PPA, với tổng công suất gần 4.500 MW. Trước đó, vào tháng 10/2018, chỉ có 35 dự án điện mặt trời ký được PPA.

Một quan chức của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, để ký được PPA với ngành điện, rất nhiều chủ đầu tư điện mặt trời đã chấp nhận bổ sung điều khoản phụ về sa thải phụ tải khi quá tải lưới. Bởi vậy, ngành điện không có lý do gì để từ chối ký PPA, nên đã có sự tăng vọt như trên.

Dẫu vậy, một chuyên gia am hiểu điện mặt trời cho hay, điều khoản chấp nhận sa thải phụ tải của dự án điện mặt trời khi hệ thống quá tải hoặc không có lưới để truyền tải lại nằm ở phụ lục hợp đồng, chứ không nằm trong PPA chính thức. Bởi vậy, khi có PPA, nhà đầu tư sẽ mang đi vay vốn của các tổ chức tín dụng để triển khai dự án, nhằm kịp vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 ở các tỉnh khác và trước khi hết năm 2020 với riêng Ninh Thuận như đã được Thủ tướng chấp nhận. Nhờ vậy, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh trong suốt 20 năm tiếp theo.

“Những năm đầu, khi lưới truyền tải quá tải như hiện nay khiến dự án không đạt đủ thời gian phát điện để thu hồi chi phí, hoàn trả vốn đầu tư, thì nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm các nguồn khác, nhưng theo tính toán tổng thể, nếu được mua điện với giá 9,35 UScent/kWh trong 20 năm thì vẫn có lãi”, chuyên gia này nhận xét.

Ông Toby Couture, chuyên gia quốc tế đến từ Đức nhận xét: “Có thể, nhà đầu tư nội tin tưởng vào EVN và vào các cơ quan chức năng, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy có nhiều rủi ro hơn, nên xuất hiện chưa nhiều”, ông Toby Couture nói.

Có lẽ vì vậy, trên Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam, vẫn có những lời đề nghị mua lại dự án điện mặt trời đã ký được PPA từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Giá sẽ giảm mạnh 

Trước xu hướng chi phí công nghệ sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, chuyên gia Toby Couture cho rằng, cần phải tính toán lại giá FiT (Feed in Tariffs – giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện) của điện mặt trời.

“Việt Nam chưa thể đạt được mức chi phí thấp kỷ lục như Saudi Arabia, Ấn Độ, Chilê, Mexico, do thị trường còn non trẻ, chi phí tài chính cao hơn bình thường, chi phí và thời gian giải phóng mặt bằng chưa rõ ràng, các vấn đề liên quan tới PPA…”, chuyên gia này nói và cho biết, theo các dữ liệu khảo sát, chi phí lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam tại thời điểm quý IV/2018 là 718 – 790 USD/KWp.

Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, ở thời điểm tháng 7/2019, giá FiT cho một dự án điện mặt trời quy mô 50 MW là 6,57 – 7,14 UScent/kWh ở vùng có bức xạ nhiệt lớn nhất như Bình Thuận, Ninh Thuận. Ở các vùng có bức xạ thấp như miền Bắc, giá FiT là 8,7 – 9,45 UScent/kWh. Mức giá ở vùng có bức xa nhiệt lớn cũng sẽ giảm còn 5,78 – 6,28 UScent/kWh vào tháng 7/2020 và xuống còn khoảng 5,5 UScent/kWh vào tháng 7/2021.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho hay, Cục đã đặt hàng tính toán và có tới 81 kịch bản liên quan đến giá FiT cho điện mặt trời nhằm có một cách nhìn khách quan.

“Nguồn điện mặt trời không ổn định, có tính thất thường, khó kiểm soát, nếu tập trung tất cả vào một khu vực sẽ gây ra khó khăn lớn trong điều hành. Vì thế, phải phát huy tính chất phân tán của năng lượng tái tạo nhằm giảm rủi ro”, ông Thành nói.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo